Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Độc đáo lễ "cột chỉ cổ tay” của người S’tiêng

Đầu xuân Quý Tỵ, vùng đất Bình Phước hơi se lạnh. Theo chân già làng Điểu Té ở ấp 9, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, Bình Phước, chúng tôi đến dự lễ “cột chỉ cổ tay”, một nét đẹp văn hóa có từ bao đời nay của đồng bào dân tộc S’tiêng nơi đây. Trong tiếng S’tiêng, lễ cột chỉ cổ tay có nơi đọc là cơ ty nhưng cũng có nơi đọc là toon ty, tùy theo âm điệu của mỗi vùng.

 

“Cột chỉ cổ tay” cho con khỏe mạnh


Mới sáng sớm mà nhà anh Điểu Quốc Phương, 27 tuổi, ở ấp 9, xã Lộc Thuận đã chộn rộn khác hẳn mọi ngày. Hôm nay, gia đình làm lễ “cột chỉ cổ tay” cho đứa con vừa tròn tháng tuổi. Với đồng bào dân tộc Kinh thì gọi đây là lễ “đầy tháng”.

 

Cột chỉ cổ tay trong lễ “cột tay bà mụ” ở nhà anh Điểu Quốc Phương.

Ông Điểu Quốc Phòng, ông nội của bé đang "chỉ huy" các thanh niên trong gia đình mổ lợn, gà để nấu thức ăn. Ngoài sân, tiếng chày gạo vang lên đều đều. Trên bếp than hồng, thịt heo nướng đang tỏa mùi thơm ngát. Ông Phòng cho hay, việc giã gạo và nướng thịt là để nấu “canh bồi”- món ăn truyền thống của người S’tiêng. Trong nhà, bà Thị Bui, bà nội của bé, đang têm trầu sắp lên mâm để chuẩn bị cho lễ cúng tổ tiên. Trong lễ “cột chỉ cổ tay”, sau khi bày biện các món ăn ngon nhất dâng lên cúng thần linh và tổ tiên, sẽ tiến hành “cột chỉ cổ tay” cho đứa trẻ đầy tháng. Một bó dây chỉ bằng sợi vải dệt thổ cẩm và bát huyết gà được mang ra. Các thành viên trong gia đình, họ tộc đến dự lễ lấy dây chỉ nhúng vào huyết gà rồi cột vào cổ tay đứa trẻ vừa đầy tháng. Ông Điểu Quốc Phòng cho biết, buộc chỉ tay trong buổi lễ nói trên nhằm gửi gắm đứa trẻ cho “bà mụ”, là một vị thần trông nom, bảo vệ sức khỏe cho đứa bé theo quan niệm dân gian địa phương vùng đất Lộc Ninh, Bình Phước. Việc cột chỉ tay còn như lời người thân trong gia đình cầu chúc sức khỏe cho đứa bé, đồng thời thể hiện sự yêu thương, gắn bó ruột thịt trong gia đình, dòng họ.

Sự cam kết không lời


Ngoài lễ “cột chỉ cổ tay” cho đứa trẻ đầy tháng, người S’tiêng còn “cột chỉ cổ tay” khi đứa trẻ tròn 13 tuổi, nhằm đánh dấu, chúc mừng một bước trưởng thành của đứa bé, đồng thời qua đó cầu xin thần linh ban ơn phù hộ cho đứa bé có sức khỏe, chăm ngoan. Tại buổi lễ, anh em, bạn bè của gia đình sau khi làm lễ buộc chỉ tay cho đứa trẻ và chúc phúc cho gia đình, sẽ tặng đứa trẻ những món quà kỷ niệm chuẩn bị bước vào đời. Quà tặng là những bộ khung dệt thổ cẩm, những con vật nuôi (nếu là bé gái) và các bộ cung tên, chà gạc (nếu là bé trai).


Theo thạc sĩ Điểu Thị Huỳnh Sang, người công tác trong ngành Văn hóa Thể thao Du lịch Bình Phước: Cột chỉ tay còn thể hiện sự cam kết giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và thần linh. Vì vậy, với đồng bào S’tiêng, trong tất cả các lễ hội có yếu tố tâm linh thì đều có lễ cột chỉ cổ tay. Chính vì vậy, ngoài việc xuất hiện trong các nghi lễ dành cho trẻ em, trong đám cưới, lễ cột chỉ tay cũng là nghi thức không thể thiếu. Khi kết hôn, cô dâu và chú rể sẽ cột chỉ vào cổ tay của nhau như một sự cam kết gắn bó, chung thủy đến đầu bạc răng long.


Đến với lễ cột chỉ tay của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước trong ngày đầu xuân, ngồi quanh ché rượu cần, được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào S’tiêng, mới cảm nhận sắc xuân đang tràn ngập nơi vùng đất xưa.


Nguyễn Văn Việt- Điểu Thống Nhất

Các bài liên quan:

vệ sinh công nghiệp

http://vesinhsach.net/133/252/Giat-tham-van-phong/Giat-tham-van-phong.htm

lan son quet voi xu ly silicon

dịch vụ vệ sinh văn phòng

ve sinh cong nghiep

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét