Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Kỳ thú cổ vật - Kỳ 4: Nét hoa văn gợi nhớ một vương triều

Nhà khảo cổ Lê Hội, người đang sở hữu nhiều hiện vật quý về đồ gỗ mỹ thuật và gốm ký kiểu ở TP.Huế.

Là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Lê Sĩ (1816-1883) làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và giữ chức Hữu quân Đô thống phủ kiêm Đặc sứ phòng duyên hải - người chỉ huy mặt trận chống quân Pháp trong buổi đầu xâm lược nước ta tại cửa biển Thuận An. Sau khi thất thủ, vị tướng trung nghĩa này đã rút kiếm tuẫn tiết.

Các đời sau, từ cụ cố đến ông nội của Lê Hội đều làm quan trong triều đình Huế, vì thế ngay từ thời thơ ấu Lê Hội đã tiếp cận được rất nhiều cổ vật “cha truyền con nối” có sẵn trong gia đình. Thế nhưng qua các cuộc Mậu Thân (1968), 1972, 1975… những cổ vật này đa phần đã bị thất tán. Sau này, dù đã là một kỹ sư xây dựng nhưng Lê Hội vẫn chọn cái thú sưu tầm cổ vật, trước là để thỏa mãn niềm đam mê, sau là cố công tìm lại những cổ vật của gia đình đã bị thất lạc.

Ông nhớ lại: “Năm 1983, lúc đó còn nghèo, nghèo lắm! Lương cán bộ, công nhân viên ba cọc ba đồng không đủ nuôi vợ con. Một hôm ghé thăm anh bạn vong niên, được anh chiêu đãi một ấm trà ngon, chiết trà theo đúng kiểu Huế: nước nấu bằng siêu đồng trên hỏa lò than hồng, ấm “Da chu quần ẩm” và một bộ trà đủ “dầm, bàn, tống, tốt”, trà ướp hoa mộc hương thơm vị đậm, thật thú vị. Tôi mê mẩn và hôm sau đặt vấn đề mua lại bộ đồ trà đó. Anh bạn cũng nể tình nên nhượng cho với giá 4 chỉ vàng, vay mượn mãi mới trả đủ. Tôi bước vào con đường sưu tầm cổ vật từ đó…”.


Những đĩa sứ có họa tiết hình kỷ hà - Ảnh: nhân vật cung cấp

Theo Lê Hội, việc sưu tầm cổ vật đưa đến nhiều điều thú vị. Người sưu tầm bắt buộc phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm về lịch sử, tiến trình phát triển văn hóa nước nhà. Mỗi triều đại đều có những đặc điểm rất riêng về kiểu dáng, hoa văn và họa pháp trên những chất liệu gốm sứ, đồ gỗ, đồ đồng, đá và cả ở những công trình kiến trúc mà ngày nay người chơi đồ cổ đều có thể nhận biết được. Bởi vậy mới có câu “Nét hoa văn gợi nhớ một vương triều”.

Những món hàng “độc”

Lê Hội không tiết lộ hiện sở hữu bao nhiêu hiện vật trong bộ sưu tập của mình nhưng theo nhiều người trong giới thì bộ sưu tập của Lê Hội được liệt vào hạng lớn nhất, nhì ở Huế. Ông nói: “Tôi thích sưu tầm đồ sứ ký kiểu và đồ gỗ mỹ thuật, ngoài ra còn thích đủ thứ, miễn là phải đủ tuổi cổ vật và có kiểu dáng đẹp. Tuy nhiên, do túi tiền có hạn nên đâu dễ thỏa mãn đam mê của mình. Thực ra khi sưu tầm đồ cổ thì món nào cũng gây ấn tượng lúc mới mua về (đối với món lẻ), hoặc sưu tầm thêm cho đủ bộ. Tuy nhiên, về đồ gỗ thì tôi thích nhất bộ hoành liễn (cuốn thư, câu đối) sơn son thếp vàng. Bộ hoành liễn này nguyên của một vị hoàng tộc là Nhiếp chính đại thần thời vua Duy Tân, được chế tác theo đúng phong cách cung đình triều Nguyễn: nền sơn son (đỏ tươi), chính giữa chạm nổi bốn chữCông Gia Y Bát, bao chung quanh là nền cẩm quy và bát bửu cổ, đồ thếp vàng trần. Phía trên chạm nổi “lưỡng Long chầu nhật”. Bên dưới là một con Ly miệng ngậm cuốn thư, một chân gắp hai chữ “Thọ”, đôi Quy trên mai chở cuốn thư, miệng nhả hai luồng sinh khí. Hai bên là đôi Phụng miệng ngậm dải vàng buộc đôi cuốn thư, hai bao kim tiền đựng kiếm và song bút, tất cả đều thếp vàng trần rực rỡ…”.

Trong bộ sưu tập của Lê Hội còn có chiếc ché rượu thời Khang Hy (nhà Thanh, Trung Quốc) mà sinh thời cụ Vương Hồng Sển cho rằng ở Huế có một đôi nhưng bây giờ chỉ còn lại một chiếc. Tuy nhiên, theo ông Hội thì dòng đồ sứ ký kiểu (mỗi khi có đoàn sứ giả đi sứ sang Trung Quốc, đặt thợ bên ấy làm theo mẫu: kiểu dáng, họa tiết, thơ vịnh… của người Việt) vẫn có giá trị cao về mỹ thuật và kinh tế. Đó là thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Do hoàn cảnh lịch sử của thời kỳ này nên tuy cùng một niên đại nhưng kiểu dáng, họa tiết, men cốt của cổ vật Đàng Ngoài lại khác với Đàng Trong. Các đồ “ngự dụng” (đồ dùng của vua, chúa) cũng khác nhau. Trên đồ dùng của các chúa Trịnh có các hiệu đề: Nội phủ thị trung, Nội phủ thị nam, Nội phủ thị bắc, Nội phủ thị đoài, Nội phủ thị đông… Đồ dùng của các chúa Nguyễn và các vua Tây Sơn cũng có những hiệu đề riêng nhưng đồ ngự dụng của các vua Lê lại không có hiệu đề. Điều này đã gây nên nhiều cuộc tranh luận (chưa có hồi kết) trong giới sưu tầm cổ vật.

Lê Hội kể: “Tôi có một chiếc bát đường kính 14 cm, cao 7,5 cm có hiệu đề rất lạ tôi chưa bao giờ gặp. Thân bát vẽ hai con rồng, nửa phần thân ẩn trong mây. Mặt rồng dữ tợn, bờm dựng ngược, chân năm móng đạp trên tàn vân. Phần chân bát được vẽ thủy ba, cuồn cuộn bọt sóng dâng cao đến thân rồng. Người chơi gọi là bát Long vân đại hội. Bát này có nước men rất sâu màu chàm nhạt. Tôi nhận định có niên đại khoảng thế kỷ 17-18. Trong cuốnĐồ sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoacủa nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng (NXB Văn hóa Sài Gòn 2006) ở trang 78 cũng có một chiếc bát y như vậy và cho rằng đó là đồ ngự dụng của vua Lê. Tôi rất tán đồng ý kiến này. Ngoài ra tôi còn có những chiếc đĩa, bát, khay, ống nhổ… được vẽ trang trí theo lối hoa văn kỷ hà rất lạ và độc đáo. Đó là những cặp hình tròn cài với hình lục giác, hình thoi với hình thoi, cặp chữ thọ lồng vào nhau; người chơi gọi nôm na là “khóa lồng”, được hiệu đề chữ “Nam” hoặc không hiệu đề. Những hoa văn hình kỷ hà này rất giống các họa tiết trang trí ở các đầu kèo, bệ thờ, chân đế các pho tượng kim cang, án thờ của chùa Tây Phương (Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội). Có lẽ vua Lê, chúa Trịnh đã đến viếng cảnh chùa rồi lấy những họa tiết này đi ký kiểu chăng?”.

Hỏi Lê Hội về dự tính tương lai, ông cười bảo: “Việc chơi cổ vật luôn lấy cái duyên làm đầu. “Còn duyên vật ở, hết duyên vật dời” nên cũng khó đoán được chuyện tương lai”.

Hà Đình Nguyên

Các bài liên quan:

http://phadocongtrinh.co/thu-mua-giay-phe-lieu/a206548.html

Tin văn hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét